Biếng ăn là tình trạng trẻ ăn lượng thức ăn ít hơn so với nhu cầu. Tình trạng lười ăn ở trẻ thường không phải là bệnh mà là biểu hiện của nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau. Vậy trẻ 7 tháng thường biếng ăn do đâu? Và trẻ 7 tháng lười ăn phải làm sao?
Làm gì khi trẻ 7 tháng tuổi biếng ăn?
Có rất nhiều lý do khiến một đứa trẻ 7 tháng biếng ăn. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất và giải pháp giúp con vượt qua tình trạng ăn kém tương ứng với từng nguyên nhân.
Do thay đổi chế độ ăn uống
Trong 6 tháng đầu đời, thức ăn chính của trẻ là sữa mẹ hoặc sữa công thức. Đến giữa tháng thứ 6 hoặc tháng thứ 7, hầu hết trẻ em Việt Nam sẽ bắt đầu được cho ăn dặm với các loại thực phẩm rắn như ngũ cốc, thịt, cá, rau củ,… Những thực phẩm này hoàn toàn khác với sữa mẹ và khi chưa quen với hương vị cũng như kết cấu mới, bé 7 tháng có thể không chịu ăn dặm.
Giải pháp: Kiên nhẫn
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ có thể thích một loại thực phẩm cụ thể sau khi chúng nếm thử loại thực phẩm đó ít nhất 8 – 9 lần. Tuy nhiên, cha mẹ thường “quy kết” rằng con không thích ăn loại thịt, một loại rau củ,… nào đó khi con tỏ ra không thích sau 3 – 5 lần cho ăn.
Về cơ bản, trẻ em có thể học cách ăn ngon miệng; nhưng điều đó cần thời gian và không phải đứa trẻ nào cũng học với tốc độ như nhau. Chính vì thế, thay vì nghĩ rằng bé 7 tháng “biếng ăn”, “lười ăn”,… cha mẹ hãy tự nhắc nhở mình rằng con vẫn đang trong quá trình học và kiên nhẫn hơn khi cho con ăn.
Do mọc răng
Nếu trẻ 7 tháng tuổi bỗng nhiên ăn/ bú kém hơn, mẹ nên kiểm tra tình trạng răng miệng của con để xem liệu con có đang trong quá trình mọc răng hay không.
Mọc răng ở trẻ là khoảng thời gian căng thẳng đối với cả mẹ và trẻ vì trong giai đoạn này, trẻ có thể bị sốt, khó chịu,… dẫn đến ăn kém.
Ngoài ra, khi mọc răng, các enzyme trong cơ thể sẽ tập trung vào những vị trí răng đang mọc để hỗ trợ răng sớm nhú ra ngoài. Điều này dẫn đến tình trạng enzyme tiêu hóa bị giảm đi, vì vậy trẻ sẽ cảm thấy không ngon miệng.
Giải pháp: Chăm sóc răng miệng và tăng cường thực phẩm giàu canxi
Tình trạng trẻ 7 tháng biếng ăn do mọc răng thường chỉ kéo dài 3 – 5 ngày và kết thúc khi chiếc răng nhú hẳn ra ngoài. Tuy nhiên, thời gian mọc răng của trẻ có thể ngắn hoặc lâu hơn tùy thuộc vào cơ địa.
Để hỗ trợ trẻ 7 tháng tuổi lười ăn do mọc răng, mẹ nên:
- Vệ sinh nướu và khoang miệng cho con mỗi ngày bằng khăn mềm và nước muối sinh lý. Điều này giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng răng, lợi
- Massage lợi cho con bằng khăn mềm giúp xoa dịu cảm giác đau
- Cho con ăn các món mềm, dễ nhai nuốt và chia thành nhiều bữa nhỏ
- Cho con ăn nhiều thực phẩm giàu canxi như tôm, đậu, cam, quýt,… giúp kích thích mọc răng và giúp răng chắc khỏe
- Cắt trái cây (táo, lê,…), rau củ luộc (cà rốt, su hào,…) thành những miếng dài cho con cầm và tự cắn ăn. Lực nhai vừa đủ giúp làm cảm giác ngứa ngáy, khó chịu ở lợi của con; đồng thời kích thích mọc răng nhanh hơn
Do thời tiết nóng bức
Thời tiết cũng là một nguyên nhân phổ biến khiến trẻ 7 tháng biếng ăn. Nhiệt độ cao khiến con tiết nhiều mồ hôi, cơ thể thiếu chất khoáng nên dễ bị mệt mỏi, không có cảm giác thèm ăn. Chẳng những thế, đây cũng là thời điểm trẻ dễ mắc các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, dẫn đến tình trạng ăn kém.
Giải pháp: Cho trẻ ăn thức ăn dạng lỏng, mát
Trong thời tiết nắng nóng, thay vì cho trẻ ăn đồ khô, nóng khó nuốt; mẹ nên chuẩn bị cho con các loại thức ăn lỏng, dạng nước chẳng hạn như cháo loãng, canh,… Những món ăn dạng nước không chỉ giúp giải nhiệt, làm mát miệng mà còn giúp bù nước cho cơ thể.
Do bệnh lý
Biếng ăn cũng là một trong những triệu chứng thường thấy ở các bệnh lý phổ biến, thường thấy ở trẻ em. Chẳng hạn như:
- Viêm họng
- Viêm phổi
- Viêm tai giữa
- Viêm dạ dày
- Viêm ruột
- Rối loạn tiêu hóa
Giải pháp: Đưa con đi khám bệnh và điều trị sớm
Nếu cha mẹ nhận thấy trẻ 7 tháng tuổi lười ăn kèm các biểu hiện bất thường về mặt sức khỏe khác như sốt, vàng da, tiêu chảy, nôn,… Cha mẹ nên đưa con đến gặp bác sĩ nhi khoa để được thăm khám và có những phương án hỗ trợ kịp thời.
5 mẹo giúp trẻ 7 tháng ăn ngon miệng hơn
Ngoài ra, để giúp trẻ 7 tháng biếng ăn ăn ngon miệng hơn, cha mẹ nên áp dụng những mẹo sau:
- Thường xuyên thay đổi nguyên liệu và cách chế biến món ăn: Có đứa trẻ thích ăn thịt, nhưng cũng có những bé thích ăn rau,… Chính vì thế, cha mẹ nên thường xuyên thay đổi món ăn để giúp bé khám phá hương vị mới, đồng thời phát hiện những thực phẩm mà con thích
- Để con tự ăn: Thay vì cố gắng giữ con luôn sạch sẽ, gọn gàng; cha mẹ nên để trẻ tự ăn. Trẻ tự ăn có thể khiến thức ăn rơi khắp nơi; khiến quần áo, tay chân, mặt mũi bị “bẩn”. Tuy nhiên, bằng cách đó, trẻ sẽ được khám phá những điều mới và có thêm hứng thú cho việc ăn uống
- Truyền đạt những thông điệp tích cực trong khi ăn: Ngay cả khi con không hiểu những điều bạn nói, nhưng chúng có thể cảm nhận được tình cảm của bạn. Những cảm xúc tích cực có thể khiến món ăn trở nên ngon miệng hơn
- Đừng ép con ăn và gây áp lực bằng những câu nói tiêu cực: “Ăn đi không anh A ăn hết bây giờ”, “Không ăn là chú B mắng đấy”,… Những câu dọa dẫm sẽ không giúp con bạn ăn nhiều hơn, thay vào đó lo lắng, căng thẳng chính là những chất ức chế sự thèm ăn
- Ăn cùng con: Từng cử chỉ, hành động, lời nói của cha mẹ đều có ảnh hưởng lớn tới con. Khi thấy cha mẹ ăn ngon, con cũng có thể cảm thấy thức ăn trở nên hấp dẫn hơn
- Nói không với TV, điện thoại trong bữa ăn: Không chỉ khiến con mất tập trung, việc xem TV, điện thoại trong khi ăn còn tác động xấu đến quá trình tiêu hóa
Kết luận
Trẻ 7 tháng biếng ăn thường không phải vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Nhưng nếu con ăn kém trong một thời gian dài, hoặc có những biểu hiện bất thường về mặt sức khỏe, cha mẹ nên đưa con đến gặp các bác sĩ nhi khoa để có phương án hỗ trợ sớm.